Sumo- Võ thuật truyền thống Nhật Bản (P1)


1. Nguồn gốc và lịch sử phát triển của môn võ Sumo

Sumo là môn võ cổ truyền của Nhật Bản,  xuất hiện ở Nhật Bản cách đây khoảng 1.500 năm và được coi là môn võ có lịch sử lâu đời nhất thế giới.


  • Trận đấu Sumo đầu tiên được ghi nhận vào năm 642, lúc này nó được coi là một nghi lễ tôn giáo nhằm dự đoán xem vụ mùa có bội thu hay không và sau đó trở thành một nghi lễ trong cung đình, dưới sự bảo trợ của Thiên hoàng vào thế kỉ thứ 9.
  • Đến thế kỉ 12, khi các samurai nắm quyền chính trị thì võ Sumo mới chính thức được ứng dụng trong các trận chiến. Vào thời kỳ Edo (1603-1868) các cuộc đấu võ Sumo thường có mặt trong các lễ hội đền.
  • Cuối cùng, đến cuối thời Minh Trị (1868-1912), võ Sumo mới được công nhận là môn thể thao của dân tộc. Được Thiên hoàng bảo trợ, Sumo ngày càng phát triển, được tôn sùng và lan rộng thành môn thể thao của nước Nhật và vẫn được duy trì tinh thần ấy cho đến tận ngày nay.
  • Những năm gần đây, võ Sumo ngày càng đón nhận sự quan tâm của bạn bè thế giới với số lượng võ sĩ Sumo ngoại quốc không ngừng gia tăng.

2.Võ sĩ Sumo

Điều kiện để trở thành Võ sĩ Sumo

Võ sĩ Sumo là những người được tuyển chọn kĩ lưỡng từ các thanh niên độ tuổi 15-23, học vấn từ trung học sơ sở trở lên với chiều cao tối thiếu là 1m67, nặng 67kg. Ngoài ra, để làm võ sĩ Sumo, người đó phải có xuất thân gia giáo, nề nếp và có sự tiến cử từ những người trong giới Sumo Nhật Bản.

Quá trình luyện tập của các Võ sĩ Sumo

Sau quá trình tuyển chọn, các võ sinh phải tập luyện trong môi trường vô cùng khắc nghiệt trong 2 năm và chỉ có những ai tốt nghiệp đủ điều kiện mới được chính thức trở thành võ sĩ Sumo.



Võ sĩ Sumo có thời gian biểu vô cùng chặt chẽ từ 5 giờ sáng tới 11 giờ trưa. Không chỉ luyện tập vất vả, họ còn phải ăn thật nhiều theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tăng cân nặng. Người nặng nhất có thể lên tới 250-270kg. Các Sumo Nhật Bản chỉ ăn hai bữa một ngày là bữa trưa và bữa tối và ăn kiểu lẩu. Món ăn của họ bao gồm thịt bò, cá, đậu nành, rau và nhiều món có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau bữa ăn, các Sumo còn ăn thêm rất nhiều bánh ngọt và kem. Bữa ăn của một Sumo Nhật Bản đủ cho 5 đến 6 người bình thường. Thông thường, các Sumo sẽ đi ngủ sau khi ăn no để vỗ béo. Các Sumo ngủ trưa khoảng 4 tiếng trước khi thức dậy ăn một bữa tối khổng lồ để vỗ béo. 



Món chính của các võ sĩ Sumo là một món lẩu có tên là Chankonabe bao gồm cá, rau, thịt và đậu hũ, giống các món lẩu thông thường nhưng Chankonabe là dạng lẩu cỡ bự rất bự chỉ dành cho các võ sĩ. Họ còn ăn khoảng 5-10 tô cơm trắng và uống khoảng 2,8 lít bia trong một bữa ăn (400ml bia cung cấp khoảng 200 calo, như vậy 2,8 lít bia sẽ nạp vào cơ thể 1200 calo, chiếm gần 1/2 số năng lượng cần thiết cho một người). Ngoài ra, việc uống bia sẽ giúp tăng cao lượng Cortisol giúp cơ thể dự trữ mỡ bụng nhanh hơn. Không những thế, các võ sĩ rất ít khi ăn một mình mà đều ăn chung với nhau. Lý do cho việc này là vì theo các nhà nghiên cứu, khi ăn chung với nhiều người, kích thước bữa ăn của bạn sẽ lớn hơn 44% bình thường, đồng thời lượng calo và mỡ nạp vào cũng tăng 30%.



Trong quá trình luyện tập, họ sẽ không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc ăn ở, đào tạo, huấn luyện và cả thi đấu vì đã có sự tài trợ từ các doanh nghiệp lớn qua Hiệp hội Sumo Nhật. Họ chỉ cần rèn luyện bền bỉ và quyết tâm cao nhất vượt qua gian khổ mà thôi.

Các cấp bậc của Võ sĩ Sumo

Yokozuna: Đây là danh hiệu cao quý nhất trong Sumo. Muốn đạt đến đẳng cấp này, võ sĩ Sumo phải có một thành tích thật ổn định, mỗi vòng đấu phải thắng ít nhất 12/15 trận. Có riêng một hội đồng từ Hiệp hội Sumo Nhật Bản sẽ quyết định cho việc phong cấp bậc này. Cả lịch sử Sumo tính đến nay hơn 1500 năm nhưng chỉ có 67 người được phong cấp bậc Yokozuna.
Ozeki: cấp bậc phong cho các lực sĩ bậc Sekiwake từng thắng khoảng 33 trận hay đoạt chức vô địch ba mùa đấu Sumo liên tục. Trong trường hợp hai giải đấu liên tiếp, Ozeki có số trận thắng ít hơn số trận thua sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Sekiwake. Trước khi có cấp bậc Okozuna, thì Ozeki là cấp bậc cao nhất trong Sumo.
Sekiwake: là cấp bậc phong cho các lực sĩ Komusubi liên tục trong nhiều mùa giải có số trận thắng nhiều hơn số trận thua trong mỗi mùa hoặc có một mùa giải có số trận thắng rất nhiều (thường là 10 trận thắng trở lên). Nếu đang là Sekiwake mà có một mùa giải có số trận thắng ít hơn số trận thua, lực sĩ sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Komusubi.
Komusubi: là cấp bậc phong cho lực sĩ Maegashira nào có 10 hay 11 trận thắng hay thắng một lực sĩ có cấp bậc cao hơn mình.
 Maegashira: là cấp bậc thấp nhất trong nhóm lực sĩ năm cấp kể trên (được gọi là Makuuchi).
Juryo: là cấp bậc của các võ sĩ chưa lọt được vào nhóm Makuuchi. Các lực sĩ Juryo được phép tham gia thi đấu các giải chuyên nghiệp 15 trận, nhưng đấu riêng giữa họ với nhau. Trong trường hợp một lực sĩ trong nhóm Makuuchi bị chấn thương phải từ bỏ giải đang đấu, thì Lực sĩ Juryo có thành tích tổt nhất có thể được phép lên đấu cùng nhóm Makuuchi. Thấp hơn cấp Juryo chỉ còn những người đang học Sumo.



Lễ hội Sumo ở Nhật Bản

Khoảng cuối tháng 9 hàng năm, các bà mẹ Nhật Bản và cả khách du lịch lại háo hức chờ đợi lễ hội Nakizumo hay còn gọi là Baby Sumo Cry.
Những võ sĩ Sumo được giao nhiệm vụ bế những đứa bé trên tay và làm sao để chúng khóc càng to càng tốt. Đứa trẻ nào khóc to hơn sẽ chiến thắng. Người dân xứ sở anh đào tin rằng một đứa trẻ khóc to, phản ứng dữ dội trong trường hợp này chứng tỏ chúng khỏe mạnh, tự tin và lớn nhanh hơn những đứa không khóc. Họ cũng nghĩ rằng việc đứa trẻ khóc thật to sẽ giúp xua đuổi ma quỷ thường quấy nhiễu chúng. 


Lễ hội thường được tổ chức tại các đền thờ Thần đạo trên khắp đất nước Nhật Bản và mỗi năm có từ 50 – 100 bé tham gia dự thi, hầu hết đều là bé dưới 1 tuổi. 
Các Sumo có nhiều cách khác nhau để cho trẻ khóc như lắc nhẹ bé, làm mặt xấu hay thậm chí… gào vào mặt bé. Nhưng nếu bé vẫn không khóc, hay thậm chí cười thích thú, biện pháp mạnh hơn sẽ được sử dụng. Một nhà sư mang mặt nạ quỷ sẽ được cử vào để khiến bé khóc thét lên mới thôi.


Điều bất ngờ là chính các bà mẹ Nhật lại không có vẻ xót con mà tự tay bế chúng cho các Sumo. Trên sân khấu, hai Sumo giữ chặt bé trên tay và phải cố gắng để bé khóc thật to. 
Lễ hội này đã có lịch sử hơn 400 năm.



Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.